Mở một quán ăn chay cần chuẩn bị những gì?

Thứ ba - 10/10/2017 21:25

Mặc dù ăn chay là tư tưởng bắt nguồn từ nhà Phật, nhưng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, ăn chay đã trở thành xu hướng ẩm thực được nhiều người hưởng ứng. Chính điều này đã tạo điều kiện cho mô hình kinh doanh quán ăn chay phát triển.

 

Các món chay với cách bày trí đẹp mắt
          Các món chay với cách bày trí đẹp mắt ngày càng thu hút thực khách

 

Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay là cách để tâm hồn thanh tịnh, tốt cho sức khỏe, khi bụng nhẹ, thì tinh thần mới thông suốt. Ngày nay, với những bộn bề, xô bồ của cuộc sống, con người tìm đến việc ăn chay như một cách giúp tinh thần nhẹ nhàng, ăn chay còn là phương pháp hữu hiệu chống lại những căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại như tim mạch, cao huyết áp, ung thư,… Giới trẻ cũng quan tâm đến việc ăn chay như một cách thanh lọc cơ thể, giải pháp để giảm cân.

Kinh doanh quán chay trở thành thị trường kinh doanh tiềm năng lớn, mang lại lợi nhuận cao, bởi đối tượng thực khách không chỉ giới hạn ở những người ăn chay theo đạo, mà còn cả đối tượng trẻ, những người muốn ăn chay để tăng cường sức khỏe. Kinh doanh quán ăn chay mang lại lợi nhuận cao nhưng không phải ai đầu tư cũng thành công.
Vậy đâu là yếu tố để kinh doanh quán chay thành công?

Thực đơn chính là một trong những yếu tố cốt lõi mang đến sự thành công cho việc kinh doanh quán chay. Xây dựng thực đơn hợp lý, phù hợp với thị hiếu của thực khách là những điều mà chủ quán chay cần quan tâm khi thiết kế thực đơn. Thực đơn quán chay cần có sự điều chỉnh phù hợp giữa ngày thường với những ngày rằm, dịp lễ Vu Lan,… thêm những món đặc biệt vào thực đơn ngày lễ là cách để thu hút thực khách đến với quán ăn. Có thể thiết kế thực đơn theo từng suất ăn ví dụ như Buffet chay hay cơm chay văn phòng vào thực đơn. Hoặc xây dựng thực đơn thành dạng như mâm cỗ chay nhất là vào những ngày rằm, lễ chùa. Nguyên liệu chế biến các món chay thường là rau củ, quả, vì vậy phải biết cách phối hợp các nguyên liệu để đảm bảo cân bằng đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Để thiết kế thực đơn hợp lý, chủ quán chay nên trang bị cho mình những kiến thức về ẩm thực chay, xu hướng ăn chay và đặc biệt là bí quyết nấu món chay. Có nhiều nhà hàng có thực đơn phong phú, thiết kế đẹp mắt nhưng không thể thu hút được khách hàng, trong khi một số quán ăn nhỏ có thiết kế đơn giản nhưng lại hấp dẫn được thực khách. Sự khác biệt này đến từ hương vị của món ăn và khả năng của người đầu bếp. Mặc dù, nhiều nhà hàng hay quán ăn nhỏ nhưng người đầu bếp của quán am hiểu khẩu vị của thực khách, thậm chí được đào tạo bài bản qua trường lớp có thể nắm được tinh thần của món chay và truyền tải chúng vào từng món ăn, tạo nên nét đặc trưng riêng.

Kinh doanh quán chay có điểm đặc biệt so với các loại hình khác là chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm linh. Vì vậy, cách đặt tên và bố trí không gian quán cần được chú trọng, những cái tên mang ý nghĩa thanh tịnh, hòa nhã sẽ tạo được ấn tượng tốt với thực khách. Hơn nữa, không gian quán cần tạo được sự thanh tĩnh, có thể kết hợp với âm nhạc nhẹ nhàng, sử dụng các vật dụng trang trí gần gũi và đơn giản như hoa sen, gánh hoa,…

 

Không gian quán mộc mạc đơn giản
          Không gian quán mộc mạc đơn giản là yếu tố thu hút thực khách (Ảnh minh họa)


Những khách hàng tìm đến các quán ăn chay thường thích sự thanh cao, ôn hòa, vì thế nhân viên phục vụ quán phải nắm bắt được điều này. Cần có sự nhã nhặn, từ tốn trong phong cách phục vụ và cách nói chuyện, giao tiếp để làm hài lòng khách hàng.

Với những chia sẻ trên, hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho những bạn đang ấp ủ dự định kinh doanh quán chay trong tương lai. Nếu bạn chưa vững tin vào khả năng hiện tại có thể tham khảo các khóa học nấu món chay để mở quán, để trang bị những kiến thức cần thiết cho hoạt động kinh doanh sắp tới hoặc cải thiện chất lượng món ăn của  quán
 

 



Không chỉ tháng 7 âm lịch mùa vu lan, mùa làm ăn của các quán chay mà hầu như trong cả năm, nhu cầu ăn chay của mọi người cũng khá đa dạng. Không chỉ dành cho những Phật tử, người ăn chay trường mà ngay cả những bạn trẻ ngày nay cũng rất hào hứng với việc ăn chay có lẽ bởi ăn chay vừa tốt cho sức khỏe, vừa tốt về tâm linh, thanh tịnh.


 

          Để mở một quán ăn chay bạn cần chuẩn bị những điều dưới đây.



1. Tìm hiểu về cách chế biến các món chay

Trước khi mở 1 quán ăn chay bạn nên trang bị cho mình những kiến thức chung về văn hóa ẩm thực, cách thức chế biến các món ăn chay, các xu hướng hay những trào lưu ăn chay trong nước, khu vực và thế giới.

Bạn có thể tham gia những lớp học dạy nấu ăn chay hoặc học hỏi tại các quán ăn chay nổi tiếng để có thể chế biến những món ăn chay vừa ngon, vừa đẹp mắt, giàu dinh dưỡng.

Ở Việt Nam, Huế và Sài Gòn là những vùng phát triển về đồ ăn chay, bạn có thể học hỏi và tìm hiểu. Bạn có thể tìm hiểu văn hóa ăn chay của các vùng. Tuy nhiên, việc tạo ra nét đặc trưng cho các món chay của quán là rất cần thiết.
 

Các món ăn chay rất phong phú
Các món ăn chay rất phong phú



2. Chuẩn bị vốn

Nếu bạn dự định mở quán chay tại các khu vực trung tâm thành phố thì vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng từ 100 triệu trở lên, bao gồm các khoản chi phí: tiền thuê mặt bằng, chi phí sửa chữa mặt bằng, mua sắm bàn ghế, thuê nhân viên, chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ và trang trí quán cộng thêm dự phòng chi phí hoạt động cho 3 tháng đầu tiên khi mới mở nhà hàng.

3. Lựa chọn địa điểm mở quán, thiết kế quán

Do đặc thù món ăn chay nên khi mở quán bạn phải cố gắng tìm những khu vực thanh tịnh, yên tĩnh, gần các chùa, có thể trong ngõ để đảm bảo không gian yên tĩnh, thoải mái cho thực khách. Tất nhiên vẫn nên quan tâm những thuận lợi về khu dân cư, đường xá, chỗ để xe rộng rãi…

Thiết kế phong cách quán cần lưu ý không gian thưởng thức cần phải yên tĩnh, màu sắc thanh đạm, hài hòa và nếu kết hợp với âm nhạc cũng cần phải nhẹ nhàng, truyền thống. Nhiều quán thiết kế hết sức phong phú theo phong cách Phật giáo, trà đạo hoặc thôn quê tĩnh tâm…

Đa phần thực khách đến ăn chay thường thích các cửa hàng được xây dựng mộc mạc, thôn quê với gác ngói, mái rơm, kèo gỗ với các vật trang trí hoài cổ.

4. Tuyển chọn nhân viên kĩ càng

Giai đoạn đầu mới mở nhà hàng bạn có thể thuê ít nhân viên phù hợp với tình hình hoạt động của quán, sau đó sẽ thuê số lượng nhiều hơn.

Nhân viên trong nhà hàng ăn chay cũng có đặc thù khác các cửa hàng khác. Bạn nên lựa chọn người phục vụ có thành tâm, thuần tính, phong cách nhẹ nhàng, lễ phép và đặc biệt là ăn chay thường xuyên.

Trong các vị trí nhân sự, đầu bếp đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy cần tuyển chọn người nấu ngon và có tâm huyết với nghề, đặc biệt là kỹ thuật trong chế biến các món chay. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của đội ngũ nhân viên quán ăn chay.

5. Chọn mua nguồn nguyên liệu

Chất lượng nguyên liệu chế biến rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của thực khách vì vậy bạn cần phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Nguồn nhập thực phẩm phải tươi ngon, cách bảo quản đảm bảo về chất lượng và chế biến thẩm mỹ.

Nguyên liệu chủ yếu của đồ chay là rau, củ, các loại ngũ cốc nên để khiến món ăn trở nên đặc biệt cần phải có sự sáng tạo và tinh tế trong việc kết hợp các nguyên liệu với nhau. Bạn có thể liên hệ với các nguồn nguyên liệu đảm bảo để tạo uy tín và giữ hương vị món ăn chay hấp dẫn hơn.

Nguyên liệu cho món ăn chay cần tươi ngon và đảm bảo
Nguyên liệu cho món ăn chay cần tươi ngon và đảm bảo



6. Lên menu và thực đơn rõ ràng

Thực đơn có thể là cơm hay theo từng suất ăn, mâm cỗ chay (đặc biệt là vào các ngày rằm, lễ chùa), lẩu chay, Buffet chay và còn có cơm chay văn phòng. Giá cả các món ăn cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Bạn có thể tham khảo giá thị trường, đánh giá điểm nổi bật các món chay của quán để đưa ra mức giá hợp lý, ổn định.

Ngoài ra, menu không chỉ có các món ăn chay mà còn có thể bổ sung thêm các loại đồ uống chay như chè chay, các loại nước dân dã.

Cách trang trí các món ăn cũng rất quan trọng. Ẩm thực nói chung và ẩm thực chay nói riêng cần có sự đảm bảo cả về mặt chất lượng dinh dưỡng và thẩm mỹ.

7. Đăng ký kinh doanh

Bạn phải hoàn thiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh hộ cá thể và Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm để quán ăn, nhà hàng có thể bắt đầu hoạt động.

Nêu mở công ty, làm thủ tục tại phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ được cấp GCN đăng ký kinh doanh. Sau đó bạn làm thủ tục khắc dấu công ty và đăng ký thuế, nhanh cũng mất 5 ngày.

Nếu thành lập Hộ kinh doanh thì bạn tới UBND quận, nơi đặt trụ sở để làm thủ tục. Tuy nhiên, hộ kinh doanh thì không có dấu, sử dụng hoá đơn trực tiếp.



 

Nguồn tin: suu tam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây